Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ là gì ? Và cách điều trị ?
Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh bùng phát. Trong số đó, bệnh đau mắt đỏ tuy lành tính nhưng nếu không điều trị kịp thời và đúng cách sẽ có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm, loét giác mạc, thậm chí là mù lòa.
Việc phát hiện và điều trị càng sớm đau mắt đỏ càng tốt sẽ hạn chế được tình trạng bệnh lây truyền sang người khác và giúp giảm bớt tổn thương gây ra cho thị lực.
Triệu chứng đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc. Nguyên nhân đau mắt đỏ thường là nhiễm vi khuẩn, virus hoặc phản ứng dị ứng. Mặc dù gây kích ứng mắt nhưng hiếm khi bệnh ảnh hưởng đến thị lực.
Đau mắt đỏ có nguy cơ lây nhiễm cao trong vòng 2 tuần từ khi mắc bệnh nên việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng.
Hiện tượng đau mắt đỏ rất phổ biến và có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, thường tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Dịch đau mắt đỏ thường xảy ra vào mùa thu.
Nguyên nhân và dấu hiệu đau mắt đỏ là gì?
Staphylococcus là loại vi khuẩn thường gây ra đau mắt đỏ bên cạnh Gonococci và Chlamydia cũng có thể gây ra đau mắt đỏ do vi khuẩn. Bên cạnh đó, các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn xảy ra nhanh chóng và bao gồm:
- Đau rát mắt;
- Sưng mắt;
- Ngứa mắt;
- Mắt đỏ;
- Mắt chảy ghèn (thường có màu vàng hoặc xanh);
- Sưng các hạch bạch huyết ở trước tai.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc đau mắt đỏ? Bạn cần biết các nguy cơ lây nhiễm của đau mắt đỏ để tránh lây nhiễm cho người khác cũng như bảo vệ sức khỏe bản thân mình. Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị đau mắt đỏ bao gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp với nước mắt hoặc ngón tay, khăn tay của người bị đau mắt đỏ;
- Tiếp xúc với chất gây dị ứng;
- Thường dùng kính áp tròng, đặc biệt là kính áp tròng một tuần (loại kính có thể đeo liên tục trong 7 ngày thay vì phải tháo bỏ trước khi ngủ).
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ? Bạn cần đi khám nếu thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào kể trên mà bạn cho là do đau mắt đỏ gây ra. Bệnh rất dễ lây trong vòng hai tuần sau khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Do đó, chữa trị sớm không chỉ giúp bạn mau khỏi bệnh mà còn bảo vệ người thân của bạn khỏi bị lây đau mắt đỏ.
Ngoài ra, bạn không nên tự ý chữa trị ở nhà hoặc đến bệnh viện chậm trễ vì bạn còn có khả năng mắc các bệnh về mắt khác có cùng triệu chứng nhưng nghiêm trọng và khó chữa hơn đau mắt đỏ.
Làm thế nào để điều trị đau mắt đỏ?
- Bạn phải ngưng sử dụng kính áp tròng và thay bằng kính gọng cho đến khi các triệu chứng bệnh hết hoàn toàn. Hãy nhớ thường xuyên vệ sinh sạch sẽ cả hộp đựng kính và kính;
- Ghèn thường tích tụ ở mắt trong lúc ngủ, đặc biệt nếu người bệnh là trẻ nhỏ, bé sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu vì lớp ghèn làm dính chặt mắt lại. Bạn hãy dùng khăn sạch nhúng nước ấm chùi nhẹ quanh vùng mắt bé để loại bỏ bớt ghèn;
- Sử dụng băng gạc vệ sinh mắt rất dễ lây bệnh từ mắt này sang mắt kia. Vì thế, bạn nên sử dụng hai miếng gạc cho mỗi mắt và chỉ dùng một lần duy nhất;
- Khi vệ sinh mắt, bạn hãy lau từ khu vực trong (bên cạnh mũi) ra phía bên ngoài. Đồng thời sử dụng một bề mặt gạc cho mỗi lần lau để ghèn mắt không bị sót lại trên mắt;
- Nếu sử dụng khăn giấy hoặc giấy lau, bạn phải dọn dẹp giấy rác sạch sẽ và không vứt bừa bãi;
- Nếu dùng khăn để làm sạch mắt, bạn hãy giặt ngay sau khi dùng để không ai tiếp xúc hoặc sử dụng chúng. Sau khi lau mắt, hãy nhớ rửa tay để tránh bệnh lan sang mắt còn lại.
Những điều cần tránh khi đang điều trị bệnh đau mắt đỏ
Hãy lưu ý những việc sau nếu bạn phát hiện mình có triệu chứng đau mắt đỏ:
- Không nên đi học hoặc đi làm cho đến khi bệnh tình cải thiện;
- Nếu bệnh mắt đỏ do virus gây ra, bệnh tình sẽ bắt đầu cải thiện từ 3 đến 5 ngày. Thông thường, loại đau mắt đỏ này không nhất thiết phải sử dụng thuốc, tuy nhiên, việc ngăn ngừa bệnh lây lan lại rất quan trọng. Việc điều trị bệnh tại nhà sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và bệnh sẽ từ từ biến mất;
- Nếu bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn gây ra, người bệnh có thể đi học hoặc làm việc sau khi được điều trị 24 giờ với thuốc kháng sinh và các triệu chứng sau đó đang từ từ được cải thiện. Việc điều trị kháng sinh theo toa thường nhanh chóng giết chết vi khuẩn gây ra bệnh;
- Bạn phải dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Toa thuốc có thể bao gồm thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ bôi vùng quanh mắt.
- Đối với bệnh đau mắt đỏ liên quan đến dị ứng, thuốc kháng histamine như loratadine hoặc cetirizine có thể giúp làm dịu các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, bạn không được dùng thuốc kháng histamine cho trẻ em nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ.
Lưu ý
- Bạn không nên sử dụng thuốc được kê toa hoặc toa thuốc cũ cho người khác, vì có thể chúng không phù hợp với tình trạng hiện tại của người bệnh hoặc có thể bạn đã bị nhiễm các loại bệnh khác gây ra đau mắt đỏ;
- Khi chuẩn bị dùng thuốc nhỏ mắt để điều trị đau mắt đỏ cho trẻ em, bạn yêu cầu trẻ nằm xuống nơi bằng phẳng, bảo trẻ khép hờ mắt lại và từ từ nhỏ nước vào góc bên trong mắt bên cạnh sống mũi, và để nước từ từ chảy vào trong mắt trẻ. Khi trẻ mở mắt, thuốc sẽ nhẹ nhàng di chuyển vào các màng nhầy bị nhiễm trùng mà không cần phải nháy mắt liên tục.