Chăm sóc sức khỏe trong khi mang thai gồm khám thai định kỳ, xử lý các triệu chứng thường gặp gây khó chịu, chăm sóc sức khỏe trong sinh hoạt hàng ngày (vệ sinh thai nghén) và các triệu chứng cần đi khám ngay.
1. Khám thai định kỳ
Khám thai lần đầu từ khi nghi có thai. Khám ít nhất 1 lần trong mỗi 3 tháng thai kỳ.
Thực tế hầu hết cơ sở khám thai hẹn khám thai theo khoảng cách như sau:
– Từ khi có thai đến thai 28 tuần: mỗi tháng khám một lần.
– Thai trên 28 tuần đến 36 tuần: 2 tuần khám một lần
– Thai trên 36 tuần đến khi sanh: mỗi tuần khám một lần.
Những thai kỳ có vấn đề được hẹn khám dày hơn.
Nội dung khám thai ngoài đánh giá yếu tố nguy cơ, theo dõi sức khỏe thai phụ, sự phát triển của thai nhi, còn có tiêm ngừa uốn ván để ngừa uốn ván sơ sinh và cung cấp viên sắt bổ sung.
Việc xét nghiệm phát hiện các bệnh nguy hiểm có thể truyền sang em bé gồm giang mai, viêm gan B và HIV/AIDS đang được khuyên thực hiện ở tất cả thai phụ.
2. Chăm sóc những triệu chứng gây khó chịu hay gặp khi có thai
– Chăm sóc những triệu chứng hay gặp khi có thai giúp thai phụ dễ chịu ở phần lớn các trường hợp, không cần phải dùng thuốc.
– Buồn ói và ói: ăn nhiều bữa nhỏ, không ăn quá no, tránh mùi và loại thức ăn gây kích thích nôn ói. Những thức ăn kích thích mạnh, nhiều gia vị cũng nên tránh. Tình trạng tinh thần căng thẳng, không thoải mái đi kèm với tăng triệu chứng ói, buồn ói.
– Ợ nóng, nóng cổ(nóng sau xương ức): ăn nhiều bữa nhỏ, tránh động tác cong người, không nằm ngang (đầu thấp).
– Táo bón: duy trì thói quen đại tiện từ trước có thai, uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ, vận động đủ.
– Phù: hạn chế đứng nhiều, ngồi nhiều. Nằm, nhất là nằm nghiêng giúp giảm phù.
– Chuột rút (vọp bẻ): là sự co thắt ngoài ý muốn của bắp cơ gây đau đớn, thường nhất xảy ra ở bắp chân. Kéo căng cơ bị co thắt nhờ lực bên ngoài giúp cơn co thắt qua mau và ít đau.
– Giãn tĩnh mạch, trĩ: tránh đứng nhiều, nên nằm nghiêng, kê chân cao khi nằm.
– Đau lưng: tư thế đúng, không đi giày guốc cao, hạn chế các động tác cong người ra trước, thay thế các động tác gây đau bằng các động tác ít gây đau: ngồi xổm để lấy vật thấp thay vì cúi, chống tay hỗ trợ trước khi ngồi, nằm nghiêng và chống tay hỗ trợ để ngồi dậy thay vì cong người ngồi dậy, ….
– Nám mặt: tránh phơi nắng.
3. Chăm sóc sức khỏe trong sinh hoạt hàng ngày
Ăn uống: dinh dưỡng khi mang thai được trình bày trong 1 bài riêng.
Lao động – Vận động, thể dục thể thao: nói chung không cần phải hạn chế hoạt động đối với thai phụ trừ khi hoạt động đó gây mệt đến kiệt sức hoặc có nguy cơ gây chấn thương. Những hoạt động và vị thế dễ gây mất thăng bằng đều nên tránh khi thai đã lớn.Thai phụ bình thường có thể tiếp tục công việc cho đến chuyển dạ sanh. Riêng với một số thai kỳ có biến chứng, sự tĩnh tại ít hoạt động có lợi cho mẹ và con: cao huyết áp, đa thai, nghi ngờ thai chậm tăng trưởng trong tử cung, bệnh tim nặng.
– Nên tránh bồn tắm khi thai lớn để tránh trượt ngã.
– Tránh y phục bó chặt, thấm hút kém.
– Thai phụ nên ngủ đủ.
– Giao hợp: tránh vào tháng cuối trước sanh và theo lời khuyên của bác sỹ.
– Sử dụng thuốc trong thai kỳ nên theo ý kiến bác sỹ.
– Không dùng rượu khi có thai và sắp có thai.
4. Những triệu chứng nguy hiểm cần đi khám ngay
Thai phụ khi có bất kỳ triệu chứng gì cảm thấy nguy hiểm nên đi khám ngay ở các phòng khám cấp cứu. Với những triệu chứng của các biến chứng nguy hiểm thường gặp nhất của thai kỳ, nhất thiết phải khẩn cấp đi khám ngay:
– Đau bụng,
– Ra huyết dịch âm đạo,
– Đau đầu nhiều, nhìn mờ.
Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ Hotline Phòng Khám Đa Khoa Sài Gòn Bàu Bàng 0274 9999 115 -0918 798 139 để được tư vấn và hỗ trợ 24/7 nhé!